
Lực lượng PCCC chuyên nghiệp tuyên truyền
hướng dẫn người dân cách sử dụng bình chữa cháy
Với hình dáng, thiết kế nhỏ gọn; giá thành không quá đắt đỏ; cách sử dụng đơn giản và hiệu quả mang lại trong việc xử lý các tình huống cháy nổ ngay khi vừa mới phát sinh là rất cao... Đó chính là những yếu tố giúp cho bình chữa cháy cháy xách tay trờ thành lựa chọn hàng đầu của người dân trong việc đảm bảo an toàn PCCC.

Bình chữa cháy - phương tiện cứu hỏa thông dụng và hiệu quả
Giống như hầu hết phương tiện, trang thiết bị PCCC tại chỗ khác thì bình chữa cháy xách tay cũng mang đầy đủ tính năng của công cụ dùng để ứng cứu kịp thời đối với tình huống khẩn nguy liên quan đến hỏa hoạn ở giai đoạn ban đầu. Do vậy, Luật PCCC cũng đã có những điều khoản quy định rõ ràng về vấn đề bố trí, lặp đặt bình chữa cháy xách tay cũng như những phương tiện, trang thiết bị PCCC tại chỗ khác tại các cơ sở cũng như hộ gia đình. Tất cả phải được để ở nơi thông thoáng dễ thấy, dễ lấy và dễ thao tác, sử dụng nhất.

Bình chữa cháy đặt ở góc khuất, khó nhìn thấy
Tuy nhiên, trong đa số đợt kiểm tra của Cảnh sát PC&CC thành phố Hồ Chí Minh về tình hình thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn PCCC đối với các cơ sở thuộc nhiều nhóm đối tượng khác nhau thì cũng đã không hiếm lần phát hiện một thực trạng chung nhất tại những nơi này đó chính là việc bình chữa cháy xách tay bị đặt ở những góc “chết”, bị che khuất, thậm chí là bị giấu kín.

Nhiều người dân cất giữ bình chữa cháy rất kín đáo
Và câu trả lời của đa số người dân dành cho chúng tôi khi được hỏi về vấn đề này: Cũng biết bình chữa cháy là dùng để dập lửa khi không may có hỏa hoạn phát sinh, tuy nhiên, trong quá trình buôn bán, lượng hàng hóa nhiều mà diện tích cơ sở nhỏ nên nhiều lúc vẫn còn để xảy ra tình trạng là đặt để bình chữa cháy ở vị trí không hợp lý.
Tại khoản 1, điều 41, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phảm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình, nêu rõ: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi làm che khuất phương tiện phòng cháy và chữa cháy” đối với hành vi vi phạm quy định về trang bị, bảo quản và sử dụng phương tiện phòng cháy và chữa cháy
Bên cạnh chế tài khá nhẹ nhàng, cùng với tính chất lãng phí là hiện hữu thì vấn đề chính yếu nhất được đặt ra ở đây là khi sự cố cháy vừa mới phát sinh mà người dân loay hoay mãi vẫn không tìm được bình chữa cháy xách tay, hoặc những công cụ bổ trợ khác cho công tác dập lửa, đồng nghĩa rằng thời gian cháy tự do sẽ kéo dài và nhanh chóng phát triển thành đám cháy lớn, khi ấy thiệt hại để lại rất khó có thể nói trước. Điều này cũng đã nhiều lần được thực tế chứng minh một cách đầy khốc liệt. Vì vậy, thiết nghĩ người dân nên có thái độ thực sự nghiêm túc hơn về vấn đề vì lợi ích và sự an toàn của chính mình.
Bích Hạnh