Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung: Họ là những anh hùng! Có một nghịch lý, thông thường, ít ai chịu tìm hiểu về người cán bộ - chiến sĩ làm công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ. Tuy nhiên, cứ khi cần đến thì… ai cũng gọi họ.Không chỉ chữa cháy, các cán bộ chiến sĩ còn có nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ. Đuối nước, té cầu, kẹt thang máy, nhà đổ…, cái gì người dân cũng kêu và trông đợi vào cán bộ - chiến sĩ Cảnh sát PCCC. Sự đóng góp của các cán bộ - chiến sĩ Cảnh sát PCCC hết sức quan trọng. Họ thường lao vào nơi nguy hiểm nhất, để “cứu được cái còn trong cái mất”. Dù biết không “còn” bao nhiêu nhưng ai nấy vẫn cố gắng hết sức mình và vẫn chiến đấu để không “mất” thêm. Đó là suy nghĩ và hành động của những người anh hùng! Thấm thía với sự hy sinh âm thầm lặng lẽ của các anh, tôi bắt đầu viếtbằng tâm của mình.Các anh thường không nói về các anh, vậy thì tôi càng cần viết điều gì đó. Tôi cùng với các nhạc sĩ được Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh đi tham quan nơi ở, chứng kiến hoạt động thường ngày của người lính PCCC. Trong chúng tôi, với nhiều người đây là lần đầu tiên được chứng kiến công tác chữa cháy được tổ chức thế nào, báo động ra sao, trong bao nhiêu giây có tin báo thì phải xuất xe… Thực tế công việc của Cảnh sát PCCC lúc nào cũng khẩn trương, căng thẳng, áp lực. Thấm thía sự hy sinh của các anh, tôi càng tâm đắc với tinh thần “cứu được cái còn trong cái mất”. Tác phẩm “Phòng cháy chữa cháy” ra đời và tinh thần “cứu được cái còn trong cái mất” là nội dung chính của tác phẩm. Sau này, tác phẩm được chọn là một trong các tác phẩm chính của ngành PCCC, được các anh sử dụng thường xuyên, tôi hạnh phúc lắm! Tôi coi tác phẩm như món quà gửi tặng cán bộ - chiến sĩ Cảnh sát PCCC. Đó là món quà của sự ủng hộ, chia sẻ và tin cậy! Có người dân, có chúng tôi, các anh sẽ không lẻ loi một mình.Các anh đã làm tốt và sẽ làm tốt hơn nữa, vì bình yên của thành phố và đất nước. | Ngoài ra, trong đợt vận động sáng tác ca khúc người lính PCCC&CNCH, nhạc sỹ Bảo Chấn cũng tình cờ bén duyên với bài thơ “Tình ca người lính cứu hiểm nguy” của Nguyễn Trí Công - một trong những cán bộ làm công tác tuyên truyền trong lực lượng Cảnh sát PC&CC TP. Hồ Chí Minh ngày ấy. Vị nhạc sỹ tài hoa của “Những nẻo đường phù sa” thốt lên: Khi bắt gặp những câu từ trong thơ ấy, tôi cảm được nó đã là một bản tình ca, nên khi phổ nhạc gần như tôi không thay đổi bất cứ từ ngữ nào! Tình ca người lính cứu hiểm nguy Nguyễn Trí Công Lời tạm biệt chưa kịp gửi lại em Thành phố bình yên vội vã lên đèn Màu của đêm nhuốm ngập tràn xuống phố Hẹn trở về anh sẽ ngỏ lời quen… Hối hả tiếng còi xé những màn đêm Như tiếng trái tim rộn rã êm đềm Ở nơi xa có bao người hy vọng Khi những buồn thương đang đợi bên thềm Biển lửa, sông sâu, chạm tới chân trời Vẫn nhớ về em dù giữa chơi vơi Dẫu mai đây những hiểm nguy tìm đến Tiếng cười em vẫn trong vắt ngàn đời Sóng lớp lớp, bốn bề lửa trùng vây Sánh sao bằng ngọn sóng mắt em say Cháy thể nào như tình anh rực lửa Em là bản tình ca mãi muôn ngày Hạnh phúc ở đời là những sẻ chia Được mất, đau thương và cả đoạn lìa Anh sẽ về nói lời còn dang dở Hôn cạn giọt buồn trên mắt “ai” kia! Một số bài hát về người lính PCCC&CNCH: 1. Chúng tôi là - NS. Nguyễn Ngọc Thiện. 2. Câu chuyện lửa - NS. Tôn Thất Lập. 3. Hát về người chiến sĩ 114 - Nguyễn Quang Vinh. 4. Tham gia PCCC - NS. Lê Văn Lộc. 5. Chúng tôi là lính cứu hỏa - NS. Thập Nhất. 6. Phòng cháy chữa cháy - NS. Nguyễn Đức Trung. 7. Bài ca người Cảnh sát PCCC - NS. Lê Phúc. 8. Hãy coi chừng nhé - NS. Phan Hồng Sơn. 9. Hát với lửa - NS. Nguyễn Văn Hiên. 10. Bài ca Cảnh sát PCCC TP. Hồ Chí Minh Nhạc: Doãn Tiến - Thơ: Lê Tấn Bửu. 11. Niềm tin chúng tôi Nhạc: Thế Hiển - Thơ: Phạm Hồng Quân. 12. Tình ca người lính cứu hiểm nguy Nhạc: Bảo Chấn - Thơ: Nguyễn Trí Công. |